5 thành phần dưỡng da chống lão hoá và cách sử dụng cho từng độ tuổi
Các thành phần nổi tiếng về khả năng phục hồi, chống lão hóa da như Retinol, hyaluronic acid, vitamin C, AHA, Coenzyme Q10 vốn được phái đẹp tin tưởng trong công cuộc chống lại sự tàn phá của thời gian. Thế nhưng bạn có từng tự hỏi khi nào là lúc thích hợp nhất để bắt đầu đưa các thành phần này vào quy trình dưỡng da của mình, liệu bạn có đang sử dụng chúng quá sớm và tốn bộn tiền trong khi làn da chưa thực sự cần tới?
1. Hyaluronic acid
Công dụng: Dưỡng ẩm cho da
Thời điểm nên bắt đầu sử dụng: 20 tuổi
Biểu hiện của da: Khi bạn bắt đầu thấy các nếp nhăn xuất hiện dưới mắt. Ở độ tuổi 20, điều đó cho thấy da bạn đang bị thiếu nước.
Lưu ý khi mua: Bạn nên kiểm tra bảng thành phần của sản phẩm cẩn thận trước khi mua và tìm kiếm các thành phần có nguồn gốc từ Hyaluronic acid như Sodium Hyaluronate- thành phần có cùng gốc nhưng kích cỡ phân tử nhỏ hơn nên dễ thẩm thấu vào da hơn. Tránh xa các thành phần như hương liệu, cồn và dầu thực vật có mùi vì chúng sẽ làm giảm hiệu quả của Acid Hyaluronic. Bạn nên mua Hyaluronic acid dạng Serum kết cấu lỏng để da dễ hấp thụ hơn và ít khả năng nổi mụn như khi dùng các dạng kem dưỡng đậm đặc khác.
2. Retinol
Công dụng: Tăng cường sản sinh Elastin và Collagen
Thời điểm nên bắt đầu sử dụng: 25 tuổi- Khi lượng Elastin trong da bắt đầu giảm
Dấu hiệu bạn cần Retinol: Khi bạn có thể thấy các nếp nhăn lớn hai bên khóe miệng, giữa lông mày và các vết chân chim quanh mắt.
Lưu ý khi mua: Bạn có thể lựa chọn dạng retinol mạnh hay yếu tùy vào nhu cầu của da. Với da mỏng và nhạy cảm, bạn nên bắt đầu từ các sản phẩm có hàm lượng Retinol thấp cộng thêm sự tư vấn từ các bác sĩ da liệu. Các sản phẩm có dạng retinol mạnh sẽ phát huy tác dụng nhanh hơn.
Dưới đây là các thành phần gốc Retinol từ yếu tới mạnh nhất:
- Retinol 0.01% được coi là nhẹ nhất. Bạn có thể dùng thành phần này hàng ngày mà không sợ làm tổn thương da, tuy nhiên bạn cũng cần biết loại da của mình và theo dõi sự thích ứng với thành phần này trước khi quyết định dùng thường xuyên.
- Retinol 0.04 – 0.1% là mức trung bình. Bạn có thể dùng 2-3 lần một tuần vào buổi đêm hoặc mỗi đêm nếu da có thể thích ứng được.
- Retinol 0.5 – 1% là nồng độ cao nhất và cho kết quả đúng với mô tả nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn dùng Retinol nồng độ cao liên tục mỗi đêm trong một tuần, lượng collagen trong da sẽ tăng lên đáng kể cngay sau đó.
Retinol thường đi chung cùng các thành phần chống lão hóa, phục hồi da và tế bào để tăng cường lợi ích trẻ hóa làn da.
3. Vitamin C
Công dụng: Làm sáng da và bảo vệ da trước các tác nhân gây hại từ môi trường như tia UV, ô nhiễm không khí và cả các gốc tự do.
Thời điểm nên bắt đầu sử dụng: 18 tuổi
Dấu hiệu bạn cần Vitamin C: Khi các đốm nâu xuất hiện trên da, da mất đi độ bóng khỏe, các tổn thương do mụn không tự phục hồi nhanh như xưa.
Lưu ý khi mua: Hãy tìm kiếm thành phần ascoric acid- còn được biết đến với tên gọi L- ascorbic acid, hoạt chất nổi tiếng với các lợi ích đem lại cho da. Khi kết hợp cùng các chất chống oxi hóa hoặc dùng với nồng độ tập trung từ 15-20% hoặc cao hơn, bạn có thể cảm nhận hiệu quả bằng mắt thường. Với nồng độ thấp như 0.6%, chất này cũng có thể mang đến hiệu quả chống oxi hóa và giảm tốc độ lão hóa trên da. Tùy vào các vấn đề đng gặp phải và tình trạng da mà bạn có thể lựa chọn nồng độ cao hay thấp để có kết quả tối ưu nhất.
Các dạng thức khác của Vitamin C như sodium ascorbyl phosphate, ascorbyl palmitate, retinyl ascorbate, tetrahexyldecyl ascorbate và magnesium ascorbyl phosphate cũng có công hiệu làm đẹp da nhưng chưa có được sự công nhận rộng rãi như Ascoric acid.
4. Coenzyme Q10
Công dụng: Bảo vệ các tế bào da và giúp tái tạo năng lượng phục hồi da.
Thời điểm nên bắt đầu sử dụng: 25 tuổi. Hàm lượng CoQ10 trong da tăng dần và đạt đỉnh điểm từ 20-30 tuổi, sau đó giảm dần theo thời gian.
Dấu hiệu bạn cần Coenzyme Q10: Da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và mất độ đàn hồi.
Lưu ý khi mua: Qua đường bôi, CoQ10 khó phát huy hết tác dụng, nên để đạt kết quả tôt nhất. bạn có thể bổ sung thêm CoQ10 qua đường uống.
5. AHA
Công dụng: Làm sáng da và phục hồi các tế bào
Thời điểm nên bắt đầu sử dụng: 25 tuổi
Dấu hiệu bạn đang cần AHA: Da bị tổn thương do tia UV, da sần sùi thô cứng, không đều màu.
Lưu ý khi mua: Bạn có thể tìm thấy AHA (Alpha hydroxy acids) trong sữa rửa mặt, kem dưỡng và serum. Các loại AHA phổ biến nhất là glycolic acid, lactic acid, citric acid, 2-hydroxyotanoic acid và 2-hydroxydecanoic. Độ mạnh của AHA phụ thuộc vào nồng độ và độ pH của da. Nồng độ càng cao cùng với độ pH càng thấp, AHA càng phát huy tác dụng mạnh mẽ trên da.
AHA như glycolic acid và lactic acid thường được dùng trong các sản phẩm sữa rửa mặt và tẩy da chết- các sản phẩm không lưu lại quá lâu trên da, ít có khả năng gây kích ứng cho làn da nhạy cảm. AHA cũng có thể tìm thấy trong toner, kem dưỡng và cả kem chống nắng giúp làm giảm các nếp nhăn và lấy đi lớp da chết để các bước dưỡng sau phát huy tác dụng tối đa.
Được chiết xuất từ đường mía, Glycolic acid là phân tử nhỏ nhất trong nhóm AHAs nên dễ thẩm thấu sâu vào da hơn. Nó có hiệu quả rất mạnh nhưng cũng tùy thuộc vào nồng độ và độ pH trên da. Nếu bạn thuộc tuýp da nhạy cảm, bạn không nên dùng thành phần này hàng ngày. Các sản phẩm có chứa Glycolic thường có độ pH 3-4, nghiêng về axit hơn so với độ pH của da và khá an toàn khi dùng. Chất này thường xuất hiện trong các loại tẩy trang dạng miếng đắp, sữa rửa mặt và kem dưỡng. Các sản phẩm có chứa Glycolic acid nồng độ hơn 10% được coi là mức cao và cần được tham khảo bác sĩ da liễu trước khi dùng.
Comments
Post a Comment